Nhật Bản, xứ sở của origami, manga & anime

0
0
HanheyHomeHanheyHome4 years ago
Nhật Bản, xứ sở của origami, manga & anime

Lần đầu tiên mình làm quen với văn hoá Nhật Bản là xếp origami con hạc, kể từ đó yêu văn hoá của xứ mặt trời mọc này luôn.

Sau origami, có lẽ là manga & anime. 🥰

Tour này dành cho các bạn cùng hội, chuyến đi sẽ trải dài qua 3 nơi, có thể đi Tokyo - Kyoto - Takarazuka.

Nếu xuất phát điểm là Osaka, đi từ Takarazuka - Kyoto - Tokyo. Mà thật ra, Takarazuka nằm về phía Tây của Osaka, cho nên chia ra đi Takarazuka rồi quay về Osaka, đi tiếp lên Kyoto, và rồi Tokyo.

Hoặc có thể xếp từng bảo tàng vào lịch trình theo Osaka, Kyoto, Tokyo.

#mangafans

#animefans

#mọtsách #bookworms

#travel #Japan

#Osaka #Kyoto #Tokyo

#dulịch #NhậtBản

#hanheyhome

Origami Kaikan

Ochanomizu Origami Kaikan (museum), địa điểm bảo tàng vốn là doanh nghiệp in nhuộm giấy của gia đình Kosuke Kobayashi từ giữa thế kỷ 19. Năm 1972, gia đình Kobayashi chuyển đổi thành nơi lưu trữ và bảo tồn vốn quý văn hoá mà doanh nghiệp gia đình họ góp phần không nhỏ trong việc duy trì: origami - Ochanomizu Origami Kaikan được thành lập với sứ mệnh đó. Năm 2006, Ochanomizu Origami Kaikan chuyển thành “International Origami Center” nhằm quảng bá rộng rãi hơn đến du khách quốc tế. Bảo tàng là toà nhà 6 tầng. Tầng trệt có lớp hướng dẫn origami định kỳ (muốn tham gia thì nên xem lịch trên homepage bảo tàng nhe). Tầng 2 có phòng triển lãm. Tầng 3 là shop, vô đây chỉ muốn quơ hết giấy về 😂 Tầng 4, vẫn dùng làm studio in nhuộm giấy theo cách thủ công của Nhật, có thể tham quan theo giờ. Tầng 5 & 6 là workshops. Tham quan bảo tàng miễn phí, tuy nhiên tham gia các lớp và workshops thì có phí nhe (phí cho vật liệu). Nhà ga gần nhất để đi bộ đến bảo tàng là: Ochanomizu. Từ đây đi bộ khoảng 7-10’ là đến, hỏi đường hoặc đi theo Google map là OK nha. 😉 #origamimuseum #ochanomizu #travel #Japan #dulịch #NhậtBản #hanheyhome

Origami Kaikan
1-chōme-7-14 Yushima, Bunkyo City, Tōkyō-to 113-0034, Japan

一誠堂書店

Với những con mọt sách thì không thể bỏ qua địa danh này khi đến Tokyo. Nếu không thể đọc tiếng Nhật thì có sách tiếng Anh nhe. Nếu không có nhu cầu mua sách thì rảo qua phố sách này con tim mọt sách cũng sẽ...thổn thức. 🥰 Hiệu sách “già” nhất làng là Takayama Honten, mở vào năm 1875, cho đến giờ vẫn chuyên biệt trong hạng mục sách về nghệ thuật sân khấu & trình diễn của Nhật. Tiếp theo đại ca Takayama là nhị ca Yuhikaku mở vào năm 1877, và tam ca Tokyodo mở vào năm 1890. Toàn làng có khoảng hơn 150 hiệu sách, phần lớn chuyên về sách cũ, một số hiện tại có cả cũ & mới, có cafe, hàng thủ công mỹ nghệ nhằm duy trì trong thời buổi mọt sách chuyển sang “gặm Kindle & iBooks” 😕 Điểm qua vài hiệu nổi cộm: - Isseido Bookstore, mở từ năm 1903, sau trận động đất Kanto, là hiệu sách đầu tiên khôi phục lại trong khu vực. Toà nhà xây lại từ năm 1931, theo kiến trúc thời Showa (*) - Kitazawa Shoten, chuyên sách nước ngoài Anh, Đức, Tây Ban Nha,... - Tamura Shoten, cũng chuyên sách nước ngoài, đặc biệt văn học Pháp & Đức từ thế kỷ 16 - thế kỷ 20. Mọt sách nào có dịp đến đây, nhớ bỏ túi phần “To Do List” để dễ tìm 📚 nha. 😜 (*) Shōwa Era, 1926-1989, dưới triều đại Nhật Hoàng Hirohito, ông nội của Nhật Hoàng hiện tại Naruhito. #travel #Tokyo #Japan #bookstores #dulịch #NhậtBản #hiệusách #phốsách #hanheyhome

一誠堂書店
1-chōme-1-7 Kanda Jinbōchō, Chiyoda City, Tōkyō-to 101-0051, Japan

Kyoto International Manga Museum

Kyoto International Manga Museum được thành lập và mở vào tháng 11/2006, tại vị trí và cơ sở là một ngôi trường tiểu học đã đóng cửa và được cải tạo lại. Ngôi trường tiểu học Tatsuike Primary School được mở vào năm 1869, xây bằng tiền quyên góp của người dân địa phương. Sau này, do số lượng học sinh giảm dần, chính quyền thành phố Kyoto quy hoạch lại các tuyến-trường học nên về hành chính, trường Tatsuike bị "xóa sổ", một số ít học sinh còn lại được chuyển sang các tuyến-trường khác từ năm 1995. Cơ sở vật chất của trường Tatsuike được cải tạo lại đôi chút và chuyển thành bảo tàng - Kyoto International Manga Museum - gồm 3 toà nhà nối thành hình chữ L, phần rỗng của chữ L là mảnh sân (mà bây giờ khách đến bảo tàng thường ôm manga ra bãi cỏ đó mà nằm đọc cả ngày.) 😌 Cũng khó nói là thật ra mình đến bảo tàng hay mình đến để mà ngắm một ngôi trường cũ nữa. Ban đầu, đương nhiên là đến bảo tàng, mà khi bước vào bên trong bảo tàng thì ngôi trường "hình như là" điều thu hút mình hơn hết thì phải?! Hầu hết khách đến đây, tìm chọn những quyển manga yêu thích rồi tìm một chỗ ngồi/nằm đọc... Cả mấy tầng lầu, chỉ có mỗi mình đi lên đi xuống, đi qua khắp các phòng triển lãm và đi cầu thang bộ. Cầu thang bộ với tay vịn bằng đá mài, y hệt như cầu thang ở ngôi trường cấp 2 ngày xưa mình học ở thành phố quê (Mỹ Tho). Đá mài bóng nhẵn theo thời gian và bao nhiêu mông đít những đứa trẻ nghịch ngợm trượt dài trên đó thay vì đi bộ xuống thang, tự nhiên trong đầu mình có một đoạn phim cũ lướt qua thật chậm y như vậy. Bước chân đưa mình đi qua những kệ sách cao tận trần, màu sắc, hun hút từ đầu hành lang này đến đầu hành lang kia. Bước chân không dặn mà bước thật là nhẹ thật khẽ mà vẫn không nén được tiếng sàn gỗ cũ ọp ẹp kót két cười suốt. Những bước chân đi trong hư thực chả rõ, "nó" giống như là đang trôi vào một lối rẽ nào đó trong không gian, gần như là...."nostalgic passage" vậy. 😌😊 Quay về thực tại với Kyoto International Manga Museum. Bảo tàng có mục tiêu trở thành một kho lưu trữ khổng lồ mảng truyện tranh/ manga trên toàn cầu. Khắp các phòng và hành lang trong bảo tàng đều là truyện tranh, truyện tranh và truyện tranh. Ghế & góc dành cho khách ngồi đọc ở khắp nơi. Có phòng dành riêng cho trẻ em vừa đọc vừa chơi cùng bố mẹ, mà mình đi ngày bình thường nên chắc các bố mẹ bận đi làm, chả thấy trẻ em, chỉ thấy các anh chị lớn cứ nằm dài ra ngủ hoặc đọc...hihi... Phần lớn truyện tranh/manga đặt trên kệ khắp bảo tàng là bộ sách khổng lồ khoảng 40.000 quyển - quà tặng từ ông Go Matoba, chủ hiệu sách-cho-thuê Ohkubo Negishi ở Shinjuku (Tokyo) khi ông đóng cửa hiệu sách vào năm 2005, ông tặng lại cho bảo tàng (lúc đó vẫn đang trong quá trình thành lập chưa mở chính thức.) ❤️ Ngoài truyện tranh/ manga, bảo tàng thu thập và lưu trữ những nguyên/vật liệu trong lĩnh vực sáng tác truyện tranh/ manga, từ những bản in khắc gỗ từ thời Edo (1603-1868) cho đến những tạp chí-truyện tranh của thời hậu chiến,...v.v... Có một phòng "timeline" về truyện tranh/manga/phim ảnh/ phim hoạt hình/...xuyên suốt lịch sử Nhật Bản. Có mấy cột mốc đáng nhớ như sau: - 1958, bộ phim hoạt hình đầu tiên của Nhật "chào đời" - Hakujaden (The Tale of the White Serpent). - 1975, Comic Market lần đầu tiên được tổ chức. - 2000, Manga e-book lần đầu tiên được trình làng. P.S: Có thể bảo tàng là một nơi thường bị "gán gắn" cho cái nhãn "chán ngắt" nhưng nếu ai đó từng là tín đồ của manga thì nên đến bảo tàng manga một lần, để ngắm những bản "Genga" (*) và cảm nhận mỗi quyển manga là một tác phẩm nghệ thuật thật sự, chứ không chỉ đơn thuần là mua vui đôi phút và giải trí đôi giờ. (*) Genga (原画 , nguyên họa) - bức vẽ hoàn chỉnh sau cùng, với bức này họa sĩ vẽ truyện tranh dùng màu thật giống hệt y như bản-vẽ-thành-phẩm/bản vẽ chính thức. Thật sự, Genga đúng như chữ Hán tự "nguyên họa" - nó chính là bản vẽ gốc của truyện tranh/manga. Nhưng do quy trình & quy cách, họa sĩ phải vẽ thành 2 bản, một bản là "Genga" và một bản lặp lại y như vậy, gọi là "bản chính thức/bản gốc". Những khi dùng để triển lãm thì thường sẽ dùng bản "Genga" để đem ra triển lãm, còn "bản chính thức" thì cất...tủ thờ...hihi... 😜 #travel #japan #kyoto #museum #kyotomangamuseum #japantrip #dulịch #NhậtBản #bảotàng #manga #hanheyhome

Kyoto International Manga Museum
452 Kinbukicho, Nakagyō-ku, Kyoto, 604-0846, Japan

Cafe Bibliotic Hello!

Cách bảo tàng Manga khoảng 10 phút đi bộ (vừa đi vừa ngó nghiêng vừa chụp ảnh này nọ), quán cafe dễ cưng nhứt Kyoto là đây: Cafe Bibliotic Hello! 😜 ❤️ Ngôi quán được cải tạo từ một ngôi nhà phố Kyoto xưa (machiya), chia làm 2 không gian thiết kế hoàn toàn khác nhau. Một bên là quán cafe với rường kèo cột cửa đều là gỗ, không gian ấm cúng (tựa hồ như mấy club house trong các sân golf vậy). Một bên là bakery với tường gạch sáng, giếng trời ngay trước mặt tiền ngập tràn ánh sáng. Yêu thích cả hai. ❤️ Một điều bất ngờ dễ thương như quà tặng là chỗ mình chọn ngồi nhìn ra khoảnh giếng trời hẹp phía sau quán, có một cây gòn! Cây gòn, bây giờ có lẽ ít người biết lắm, mà có khi cũng chẳng còn nhiều, về mấy vùng quê thì may ra còn sót một ít rải rác đâu đó. Mình nhận ra ngay cây gòn là vì mảnh sân tuổi thơ của mình có một cây gòn. Bây giờ ngồi nghĩ lại thấy mình may mắn quá, dường như đi đâu cũng được các thổ địa dẫn đường để được nhận quà tặng thì phải...hihi...(con cảm ơn các vị Thổ địa lắm ạ. 🥰 ) À, mặt tiền quán thì có mấy bụi chuối và mấy bụi fatsia japonica/ paperplant (ヤツデ, giống sau vườn nhà mình cũng trồng), mát rượi. ❤️ #travel #japan #kyoto #japantrip #cafeBiblioticHello #coffeeshop #dulịch #NhậtBản #hàngquán #cafe #hanheyhome

Cafe Bibliotic Hello!
650 Seimeichō, Nakagyō-ku, Kyoto, 604-0951, Japan

Takarazuka

Takarazuka là thành phố nhỏ bé và thanh bình, thuộc Hyogo-ken, nằm kề bên Osaka rộng lớn. Nó thanh bình đến nỗi người ta thường gọi nó là “phòng ngủ của Osaka và Kobe.” Bởi vì là rất nhiều người đi làm ở Osaka và Kobe nhưng lại có nhà hoặc thuê nhà ở Takarazuka. Takarazuka nép mình giữa 2 dãy núi Rokko ở phía Tây và Nagao ở phía Bắc. Có dòng sông Muko êm đềm chảy xuyên qua khu trung tâm thành phố. Takarazuka không hào nhoáng như Tokyo , không náo nhiệt như Osaka , và cũng không đầy các đền đài di tích xưa cũ như Kyoto và Nara . Nhưng ở đây có sức hút của sự bình yên. 😌 Người ta thống kê có hơn 10 triệu du khách đến thăm thành phố bé nhỏ này hàng năm. Nhưng có lẽ có rất ít người Việt, ngoại trừ những người du học và sinh sống tại Nhật. Khi hỏi ở Takarazuka có gì mà đông du khách đến như vậy? Chẳng có gì nhiều cả, nhưng Takarazuka là “cái nôi” của nghệ thuật kịch nghệ “Takarazuka Revue”. Cũng giống như tinh thần của kịch từ bao đời, đó là đem cuộc sống lên sân khấu. Nhưng với tài năng và sự sáng tạo của nghệ sĩ mà trải qua thời gian thì đã phát triển thành nhiều loại hình kịch khác nhau, nhưng tinh thần vẫn giữ nguyên đó. Kịch là cuộc sống, kịch là thời sự, được trình diễn qua nhiều hình thái phong phú và tài nghệ của diễn viên, nghệ sĩ. Takarazuka Revue là loại hình “kịch thời sự”, được sáng lập vào năm 1913, trình diễn lần đầu vào năm 1914. Khác hẳn với loại hình truyền thống nổi danh của Nhật – KABUKI, Kabuki với dàn nghệ sĩ toàn NAM nhân, Takarazuka Revue với dàn diễn viên, nghệ sĩ toàn MỸ NHÂN. Một loại hình pha trộn giữa Broadway và nghệ thuật kể chuyện dân gian trào phúng của Nhật. Và để trở thành diễn viên – nghệ sĩ của loại hình Takarazuka Revue, các cô gái (mà thật sự là những “mỹ nhân”) sẽ phải theo học tại trường Takarazuka Music School. Nhưng không phải hễ là mỹ nhân thì chắc chắn được vào học tại trường, họ còn phải trải qua kỳ thi với sự cạnh tranh khốc liệt vì trường chỉ tuyển 40 người mỗi năm. Nhưng bù lại, sau khi tốt nghiệp, họ nghiễm nhiên trở thành thành viên của Takarazuka Revue. Chương trình học kéo dài 2 năm, vào năm thứ 2, các mỹ nhân sẽ được xác định vai diễn mà mình sẽ học và diễn ….suốt đời! Vì Takarazuka chỉ toàn mỹ nhân nên các mỹ nhân tất nhiên sẽ diễn luôn vai nam nhân. Và những mỹ nhân nào chọn đóng vai nam nhân sẽ cắt tóc và hóa trang gương mặt như nam nhân trong suốt thời gian đi học. Đồng phục của trường là váy, áo, áo khoác, màu xanh xám. Nhưng chỉ cần nhìn mái tóc, du khách sẽ nhận ra ngay ai đóng nam nhân. Hóa trang cũng là 1 nghệ thuật cần phải học và được dạy tại trường. Bởi vì họ sẽ gắn bó với vai diễn (nam hay nữ), sẽ phải hóa trang như vậy hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn lần trong suốt cuộc đời làm nghệ sĩ. Và để thuần thạo trong cách thức hóa trang, họ phải hóa trang mỗi ngày khi đến trường. Vì vậy mà, khi đến Takarazuka, đi dạo trên phố, nếu bất chợt nhìn thấy vài mỹ nhân với gương mặt hóa trang thật đẹp, mặc quần áo như đồng phục học sinh, cũng đi trên phố, đừng trố mắt ngạc nhiên, vì họ là nghệ sĩ “Takarazuka Revue” tương lai! Rất là xinh đẹp! Và mình bảo đảm rằng bất cứ ai cũng sẽ nhìn, ngoái cổ nhìn cho đến khi họ đi khuất qua khỏi thì thôi…. Một thông tin đặc biệt nữa, người sáng lập Takarazuka Revue chính là Ichizo Kobayashi, chủ tịch của tập đoàn Hankyu. 😎 #Takarazuka #Japan #travel #dulịch #NhậtBản #hanheyhome

Takarazuka
Takarazuka, Hyogo, Japan

The Osamu Tezuka Manga Museum

Có nhiều nickname dành cho Tezuka Osamu như là: ông tổ truyện tranh và phim hoạt hình Nhật, cha đẻ của truyện tranh Nhật Bản, Walt Disney của Nhật Bản,..v.v... Ông là người khởi xướng phong cách vẽ nhân vật truyện tranh với đôi mắt to tròn mi cong vút trong “manga”. Ông cũng là người khơi nguồn sáng tạo & sản xuất “anime” (phim hoạt hình NB). Phong cách vẽ nhân vật truyện tranh với đôi mắt to tròn, mi dài cong vút là do từ bé ông là fan của Takarazuka Revue, đi xem các vở diễn và ấn tượng với những khuôn mặt hoá trang xinh đẹp của diễn viên. 🥰 Mình đến bảo tàng 2 lần. Khác với Kyoto International Manga Museum, bảo tàng Tezuka Osamu dành để vinh danh ông, người đã sáng tạo và cống hiến cả đời cho một ngành nghệ thuật & văn hoá Nhật Bản. 🥰 #tezukaosamu #museum #manga #takarazuka #hanheyhome

The Osamu Tezuka Manga Museum
7-65 Mukogawachō, Takarazuka, Hyogo 665-0844, Japan

Have Story To Share?

Blog with Trip.Social

Blog with Trip.Social

Reach new audiences and maximize your potential.

More from Trip.Social